Anh hùng Hồ Hảo Hớn

Tệp đính kèm Anh hùng Hồ Hảo Hớn
Năm xuất bản 2023
Đơn vị phát hành Tỉnh Đoàn Bến Tre
Giai Đoạn Nhân vật Lịch sử

Nội dung

Đồng chí Hồ Hảo Hớn còn có bí danh là Hai Nghị, Ba Lực và Nguyễn Văn Chiêu; sinh ngày 15 tháng 10 năm 1926 tại ấp Thanh Tân, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre (nay là xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) trong gia đình nhà nho yêu nước, cha là cụ Hồ Văn Mẹo, mẹ là cụ Nguyễn Thị Dự; đồng chí là người con thứ ba trong gia đình 9 anh chị em (4 gái 5 trai).

Từ nhỏ, ông đã thể hiện sự thông minh, ham học hỏi, được gia đình cho đi học trường công lập ở xã Hương Mỹ.

Năm 1939, Hồ Hảo Hớn thi vào Trường Trung học Mỹ Tho.

Đến khi tốt nghiệp bậc trung học năm 1943, ông lên Sài Gòn, tiếp tục vào học tại Trường Petrus Ký (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong).

Năm 1945, Hồ Hảo Hớn vừa tốt nghiệp tú tài thì Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Trường Petrus Ký bị Nhật chiếm đóng, ông rời khỏi trường.

Trở về quê nhà, trong khí thế sôi sục của Nhân dân Bến Tre bị vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 5 cùng năm, đồng chí gia nhập tổ chức “Thanh niên Tiền phong” do Xứ ủy Tiền phong chủ trương thành lập, sau đổi thành “Thanh niên Cứu quốc”.

Năm 1947, Hồ Hảo Hớn thoát ly gia đình đi kháng chiến với bí danh Hai Nghị.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Bạch Đằng, đồng chí công tác tại Viện Văn hóa Kháng chiến Nam bộ.

Năm 1948, Viện sáp nhập vào Sở Giáo dục Nam Bộ, đồng chí được phân công giữ chức Phó phòng Sưu tầm tài liệu, với nhiệm vụ sưu tầm những tài liệu về giáo dục và văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc.

Đồng thời, ông còn được phân công giảng dạy trực tiếp tại Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, thực hiện đào tạo cán bộ kháng chiến, xây dựng nền tảng văn hóa kháng chiến Nam Bộ.

Năm 1950, đồng chí Hồ Hảo Hớn vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, đồng chí được điều về nội đô Sài Gòn hoạt động bí mật, được tổ chức giao nhiệm vụ vận động tập hợp các lực lượng trí thức.

Sài Gòn là trung tâm đầu não của chính quyền tay sai, cũng là nơi tập trung phong trào đấu tranh chính trị đô thị sôi nổi.

Với bí danh Nguyễn Văn Chiêu, đồng chí dạy ở các trường Trung học tư thục: Việt Nam học đường, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Huệ… công việc này vừa giúp ông trang trải cuộc sống, vừa thuận lợi cho hoạt động cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho đội ngũ trí thức học sinh, sinh viên.

Năm 1957, chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm phá bỏ Hiệp định Genève, tiến hành triển khai chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”; Hồ Hảo Hớn được Khu ủy điều động và phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Ban Cán sự thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định hoạt động với bí danh mới là Ba Lực.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Trần Quang Cơ, đồng chí Ba Lực tích cực xây dựng, tổ chức, lãnh đạo hoạt động của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn xuống đường biểu tình đấu tranh chống Mỹ xâm lược và chính quyền Diệm cũng như phong trào học sinh, sinh viên giải phóng dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam những năm 1960 trở đi.

Năm 1962, đồng chí Hồ Hảo Hớn được bổ nhiệm làm Bí thư Ban Cán sự thay cho đồng chí Trần Quang Cơ đã hy sinh (tháng 8 năm 1961), trực tiếp huấn luyện phần lớn cán bộ đảng, đoàn sinh viên, học sinh.

Thời gian này, đồng chí Ba Lực chủ động củng cố lại tổ chức, bám sát chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên, nắm các tổ chức hoạt động công khai; đặc biệt, đồng chí đẩy mạnh đấu tranh và giành lại vai trò lãnh đạo Tổng Hội sinh viên Sài Gòn từ bọn phản động tay sai Mỹ ngụy đội lốt sinh viên để phá hoại tổ chức.

Cũng từ đây, Tổng Hội sinh viên Sài Gòn trở thành ngọn cờ công khai cho phong trào thành thị miền Nam, phong trào học sinh, sinh viên hoạt động sôi nổi, hiệu quả và có uy tín, tạo tiếng vang trong nước và quốc tế.

Năm 1963, đồng chí Nguyễn Văn Chiêu bàn bạc cùng tập thể Ban Cán sự vận động học sinh, sinh viên hưởng ứng phong trào đấu tranh của hội Phật giáo chống Mỹ - Diệm, giác ngộ quần chúng, mở rộng cơ sở hội đoàn không ngừng đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống bắt lính, đấu tranh đòi hỏi hòa bình, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam… Khi chính quyền Diệm sụp đổ, tận dụng thời cơ, đồng chí Bí thư Ban Cán sự thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo các cơ sở tại các trường học loại bỏ phần tử phản động tay chân của Mỹ - Diệm cài cắm, nhanh chóng thành lập tổ chức mới và hoạt động công khai.

Trước tình hình đó, địch tăng cường phong tỏa, dùng rào kẽm gai, đạn cay, phi tiễn, hỏa mù, vòi rồng đàn áp nhưng học sinh, sinh viên vẫn kiên cường sát cánh cùng nhau đấu tranh.

Sự việc đỉnh điểm là trong lần xuống đường biểu tình ngày 24 tháng 1 năm 1965, bọn cảnh sát dã chiến ngụy đã bắn chết học sinh Lê Văn Ngọc tại Viện Hóa đạo.

Nhận được tin, đồng chí Hai Nghị chỉ đạo phải bảo vệ cho được thi hài học sinh Lê Văn Ngọc, không để địch cướp xác; đồng thời tổ chức đoàn tới chia buồn, xin phép gia đình và được sự đồng ý để đoàn thể học sinh, sinh viên được làm tang lễ.

Sáng ngày 26 tháng 1 năm 1965, cuộc biểu tình đưa tang Lê Văn Ngọc được hàng chục vạn quần chúng hưởng ứng tham gia trong khí thế căm thù bọn tay sai, ủng hộ phong trào học sinh, sinh viên và chính quyền cách mạng.

Tháng 5 năm 1965, Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định được thành lập, Hồ Hảo Hớn được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Khu Đoàn, rồi bí thư Khu Đoàn năm 1966 .

Cùng với vai trò lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên phát triển, đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo bí mật, nắm báo công khai, phụ trách các tờ báo: Suối Thép, Lửa Thiêng, Cờ giải phóng ngay trong nội đô.

Năm 1967, đồng chí Hồ Hảo Hớn được bổ sung vào Ban Chấp hành Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Tháng 10 năm 1967, đồng chí được điều ra căn cứ để dự họp chuẩn bị nhiệm vụ cho cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Tại cuộc họp này Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết về tổng công kích - tổng khởi nghĩa (Nghị quyết Quang Trung), quyết định lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn làm trọng điểm tiến công và nổi dậy, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn.

Song, trên đường trở vào lại Sài Gòn, một tên phản bội biết khá rõ đồng chí đã chỉ điểm, đồng chí bị địch bắt và giam ở bót Bà Hòa (Quận 5).

Trải qua 5 ngày đêm liên tục, bọn địch tra tấn dã man, dùng mọi thủ đoạn cực hình nhưng tuyệt nhiên đồng chí không hề hé miệng, không hề khai báo, quyết giữ bí mật tới cùng để bảo vệ đồng đội, bảo vệ cơ sở, giữ trọn khí tiết của người cộng sản kiên trung cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng.

22 năm tham gia cách mạng, trực tiếp hoạt động và chiến đấu trong lòng địch, đồng chí Hồ Hảo Hớn đã thể hiện được bản lĩnh của một cán bộ gương mẫu, một đảng viên bất khuất kiên cường, dành cả cuộc đời phụng sự dân tộc, luôn giữ vững sự trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng.

Ngày 15 tháng 4 năm 1996, di hài đồng chí Hồ Hảo Hớn được cải táng về nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi nhận và tưởng nhớ những đóng góp của đồng chí, ngày 4 tháng 4 năm 1985, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định đổi tên đường Huỳnh Quang Tiên thành đường Hồ Hảo Hớn thuộc địa bàn phường Cô Giang, Quận 1.

Từ năm 2002 đến nay, hàng năm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố đều tổ chức trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn cho các tập thể, cá nhân có sáng kiến mới, áp dụng thành công vào thực tiễn hoặc có đề tài nghiên cứu về thanh niên đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Đoàn và vinh danh những cán bộ Đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.

Ngày 22 tháng 11 năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 2164/QĐ-CTN truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Liệt sĩ Hồ Hảo Hớn.