Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Bà là út của 10 anh em trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và cách mạng.
Thuở nhỏ, bà phải sống trong xã hội thực dân và phong kiến, gia đình đông con nên khó có điều kiện cắp sách đến trường như bao người khác.
Bổn phận là anh, hơn nữa thương em nhiều nên anh Ba (Ba Chẩn) đã dạy bà học cho biết cái chữ tại nhà.
Tuy không học được nhiều nhưng bà rất thông minh, nhạy cảm và hiểu biết đủ điều, thích đọc nhiều truyện, đặc biệt là truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Những nhân vật, những hình ảnh, những cuộc đời trong truyện gợi cho bà có một ước mơ vươn đến cuộc sống cao đẹp, gieo trong lòng bà tình thương sâu sắc đối với tầng lớp nghèo trong xã hội và căm ghét những cảnh bất công.
Cứ mỗi ngày đem cơm, nước cho anh Ba trong tù, tận mắt chứng kiến cảnh lính Pháp tra tấn, đánh đập dã man, thân hình bầm tím, máu chảy loang trên nền xi măng thì lòng bà lại quặn đau như thắt.
Lúc này bà mới hiểu các anh bị bắt, bị đánh đập là vì làm việc cứu nước, cứu dân, chống lại Pháp, chống lại chủ điền.
Từ đó bà hiểu nhiều về nỗi nhục mất nước, người giàu ức hiếp người nghèo và cần phải chống lại chúng.
Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng.
Hai năm sau (1938) bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích – Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, được không bao lâu thì chồng bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đó.
Nhận được tin chồng hy sinh, lòng căm thù của bà lại nhân gấp bội.
Bất chấp con còn nhỏ, gởi lại mẹ chăm sóc, bà thoát ly tham gia họat động cách mạng tại tỉnh nhà.
Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước).
Ba năm tù cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của bà trong nhà tù.
Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945.
Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện.
Từ đó tên tuổi của bà đỏ thắm “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ-Diệm ác liệt, với luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, địch cứ truy tìm quyết liệt, chúng còn treo giải thưởng cho ai bắt được bà.
Nhưng chúng đã không làm gì được bà vì bà luôn thay hình đổi dạng, có lúc giả làm thầy tu, thương buôn, lúc làm nông dân… và luôn được sự đùm bọc của những gia đình cơ sở cách mạng, của những người mẹ, người chị để qua mắt kẻ địch.
Sự thắng lợi của phong trào Đồng khởi Bến Tre (17-1-1960) đã trở thành biểu tượng kháng chiến kiên cường bất khuất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng miền Nam, chuyển từ thế phòng ngự, bảo toàn lực lượng, sang thế tấn công, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn.
Đồng khởi Bến Tre còn thể hiện rõ phương châm đánh địch bằng ba mũi giáp công, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của đội quân tóc dài.
Năm 1961, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, đã có công rất lớn trong việc xây dựng và phát huy tác dụng “Đội quân tóc dài”, làm cho quân thù vô cùng run sợ.
Thượng tướng Trần Văn Trà nói bà là người “Có tài thao lược, ý chí cao, nghệ thuật điều hành của đội quân tóc dài, vừa hình thành tổ chức, vừa tác chiến ngay tại chiến trường vô cùng phức tạp và đã đem lại chiến thắng vẻ vang”.
Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”.
Năm 1965, bà được phong quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, và được giao giữ chức Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975.
Mặc dù là tướng, nhưng bà rất nhân ái, rộng lượng, bao dung, sống chan hòa với mọi người, luôn thể hiện đậm nét là một người đồng đội, người chị, người mẹ hiền, tận tụy chăm sóc từ cơm ăn, áo mặc cho các chiến sĩ nhất là nam giới; những nỗi đau, mất mát và sự hy sinh cao cả của nhân dân được bà cảm nhận và chia sẻ một cách tinh tế và kịp thời.
Có thể nói, cái tên chị Ba, cô Ba đã quen thuộc, thân thương, không chỉ với các tầng lớp phụ nữ và nhân dân trong nước, mà còn với bạn bè năm châu.
Bà đã từng tự xác minh, làm rõ sự thực để xử lý những vụ tiêu cực, vi phạm quyền lợi của người dân.
Từng thăm hỏi, chia sẻ buồn vui với nhiều địa phương, nhiều tầng lớp nhân dân, phụ nữ từ già tới trẻ, từ nơi ăn, nơi làm tới nơi hoạn nạn khó khăn, cả những trại tù, trường cải tạo lao động bà cũng không nề hà.
Mỗi chuyến đi để lại cho bà những bức xúc, những việc phải làm.
Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, Bà Nguyễn Thị Định đã giữ nhiều chức vụ trọng trách mới cùng Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo thành công việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Bà luôn quan tâm tới việc đào tạo, sử dụng cán bộ, đáp ứng nhu cầu đổi mới của nền kinh tế.
Bà ủng hộ phương thức làm ăn mới, tạo điều kiện giúp đỡ cho các cán bộ trẻ có năng lực quản lý phát huy được tính năng động, mang lại hiệu quả kinh tế.
Nhờ vậy, ở thời điểm đó, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, khẳng định được vai trò của cán bộ phụ nữ, không chỉ trong công tác xã hội, mà cả trong quản lý kinh tế, mà công ty du lịch Hoà Bình là một ví dụ cụ thể.
Về sống ở thủ đô trong không khí hoà bình với những tiện nghi đầy đủ hơn, bà vẫn giữ được tác phong quần chúng sâu sát như ngày ở chiến trường.
Bà luôn luôn quan tâm đến cấp dưới, đến mọi người xung quanh, thương yêu những người bất hạnh, bênh vực và bênh vực tới cùng những người bị ức hiếp, bị oan ức.
Công việc của nhà nước, của Hội đã choán hết thời giờ, thế nhưng mỗi khi bước chân về nhà, thấy bà con từ các tỉnh xa về, các chú, các bác nông dân, các bà, các chị bế cả con nhỏ ngồi chờ nơi cổng, bà lại tiếp họ.
Không chỉ nhận đơn rồi bảo người ta về, chờ đợi kết quả mà bà trực tiếp lắng nghe họ trình bày những nổi oan khúc, những điều phi lý bất công, mất dân chủ mà họ phải chịu đựng.
Bà luôn giữ mối thâm tình với những đồng chí cũ từng vào tù, ra tội nay đã về nghỉ hưu, già yếu, bệnh tật, nhất là những người quá nghèo cực và nhớ ơn những cơ sở, những người đã từng cưu mang, bảo bọc, nuôi giấu mình trong những ngày cách mạng bị dìm trong đêm đen khủng bố của kẻ thù.
Khi thì chiếc áo ấm, xấp vải, chiếc khăn quàng, lọ thuốc, gói bột ngọt…bà gởi đến tận tay từng người, từng nhà.
Của có khi chẳng đáng là bao, nhưng cái quý giá là tấm lòng, là cái tình, sự thủy chung gói ghém bên trong.
Mặc dù công tác bận rộn, nhưng bà vẫn không xao lãng trách nhiệm đối với gia đình.
Bà đích thân lặn lội về tận Đại Điền (huyện Thạnh Phú, Bến Tre), đón bà mẹ chồng lúc ấy đã hơn 70 tuổi đang sống với hai đứa cháu còn nhỏ dại trong túp lều bằng lá, bữa đói, bữa no về nhà chung sống.
Tuy bà không trực tiếp chăm sóc hàng ngày, nhưng mỗi khi đi công tác xa về, bà vẫn nhớ quà cho mẹ, khi thì chiếc khăn, khi thì gói trầu cau.
Ngồi ăn cơm chung, bà thường gắp từng miếng ngon mời mẹ dùng, vì thế mẹ chồng quý bà không khác gì con đẻ.
Đối với các cháu nội ngoại, bà đều thương yêu như nhau, bà rất tế nhị, không gây tâm lý cậy dựa, nhờ vả, nhắc nhở mọi người tự cố gắng học hành, lao động, không xao lãng việc chung, làm ăn chân chính, ngay thẳng.
Bên cạnh đó, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là sự nghiệp đổi mới đất nước bà quan hệ và làm việc với nhiều nước trên thế giới.
Những hoạt động đối ngoại năng động, giàu nhiệt tình và sáng tạo của bà có sức chinh phục mạnh mẽ trái tim của nhiều bè bạn quốc tế.
Bà nhận được nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta cũng như thế giới đã trao tặng.
Bác Hồ nói: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miềm Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy.
Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Trung với Đảng, hiếu với dân suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả, trước lúc mất (2 ngày), bà còn đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng do tuổi cao, sức yếu, lại thêm căn bệnh đau tim nên lúc 22 giờ 50 phút ngày 26 tháng 8 (tức 28/7 âm lịch) năm 1992, bà đã vĩnh biệt chúng ta và yên nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố HCM.
Với 72 tuổi đời, 56 năm họat động cách mạng trung kiên, mẫu mực, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, với đức tính khiêm tốn, vị tha, nhân hậu, giản dị, dịu hiền và luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, bà Ba Định là người phụ nữ tiêu biểu nhất, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng Nguyễn Thị Định, ngày 30-8-1995, bà được Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
GS Trần Văn Giàu nói “Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”.
Đúng vậy, đền thờ bà đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20-12-2003 để nhân dân đến viếng và thắp hương tưởng niệm.
Tiếp đến, ngày 8-4-2007, Bộ Quốc phòng đã tặng tượng đồng chân dung nữ tướng (cao 1,75m, nặng 1,025 kg) trong trang phục áo bà ba, khăn rằn quấn cổ đặt tại đền thờ.