Phan Văn Trị (潘文值, 1830 – 1910); còn gọi là Cử Trị là một nhà thơ Việt Nam trong thời kỳ đầu kháng Pháp của dân tộc Việt.
Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần (1830) tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre).
Thân phụ ông tên là Phan Văn Tấn, "làm quan khâm sai Chưởng tiền dinh Đô thống chế, đã bị triều đình nhà Nguyễn phạt chín đời không được làm quan", thuộc dòng dõi Phan Văn Triệu, một võ tướng đã từng giúp Nguyễn Ánh chống nhau với Tây Sơn, về sau được liệt vào miếu Trung hưng công thần tại cố đô Huế.
Khoảng năm 1847 – 1848, ông đến làng Hạnh Thông Tây, Gia Định (nay là Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) trú ngụ tại nhà người thân để học.
Khoa thi Hương năm Tự Đức thứ 3 (Kỷ Dậu, 1849), ông đỗ thứ 10 trên 17 Cử nhân Năm ấy, ông vừa tròn 19 tuổi.
Nhân việc đỗ Cử nhân, nhân dân trong vùng gọi ông là Cử Trị.
Với tài học đó, Cử Trị có thể ra làm quan, nhưng buồn vì thời cuộc cứ rối ren...
ông không ra làm quan, mà về sống đạm bạc bằng việc dạy học ở làng Bình Cách (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An).
Sau, ông tị địa về Vĩnh Long, rồi về Phong Điền (Cần Thơ).
Ở đó, ông dạy học, bốc thuốc và làm thơ...
Phan Văn Trị mất ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (tức 22 tháng 6 năm 1910) tại làng Nhơn Ái, tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (ngày nay thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), thọ 80 tuổi.