Trần Văn Ơn

Tệp đính kèm Trần Văn Ơn
Năm xuất bản 2023
Đơn vị phát hành Tỉnh Đoàn Bến Tre
Giai Đoạn Nhân vật Lịch sử

Nội dung

Trần Văn Ơn sinh vào 20h ngày 14 tháng 4 năm 1931 âm lịch (năm Tân Mùi), tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Cha là ông Trần Văn Nghĩa, mẹ là bà Huỳnh Thị Tữu.

Trong gia đình, Trần Văn Ơn là người con thứ 11 trong gia đình có 14 người con.

Lúc nhỏ, Trần Văn Ơn theo học ở quê nhà.

Năm 1941 theo học trường Trung học Mỹ Tho.

Năm 1943, học đứng đầu bảng được học bổng.

Năm 1947, Trần Văn Ơn lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký.

Tại đây, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước của trường và được coi là một cột trụ của phong trào này.

Đồng thời ông còn gia nhập Hội học sinh Việt Nam - Nam bộ.

Trước ngày kỉ niệm 9 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23 tháng 11), chính quyền Pháp đã bắt cóc một số học sinh của trường Pétrus Ký, dẫn đến cuộc bãi khóa của học sinh 10 trường ở Sài Gòn vào ngày 23 tháng 11 năm 1949.

Lúc này, Trần Văn Ơn đang chuẩn bị thi tú tài, nhưng vẫn tích cực tham gia cuộc bãi khóa, đứng đầu nhóm học sinh của trường Pétrus Ký đi biểu tình.

Ngày 9 tháng 1 năm 1950, Trần Văn Ơn đã dẫn đầu đoàn biểu tình với hơn 6000 học sinh-sinh viên và giáo viên các trường cùng hàng trăm biểu ngữ khẩu hiệu: đòi quyền lợi thả sinh viên bị bắt; đòi thả số học sinh bị bắt; đòi mở cửa trường; đòi học tiếng mẹ đẻ; chống quân sự hóa trong nhà trường,… 13 giờ ngày hôm đó, chính quyền Sài Gòn huy động một lực lượng lớn cảnh sát kết hợp với lính Lê Dương bao vây khu vực sinh viên học sinh biểu tình một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra.

Cuộc đàn áp này đã dẫn tới việc bắt đi 150 người, đánh đập 30 người trọng thương tại chỗ.

Không lùi bước trước kẻ thù, Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè hiên ngang tiến về phía trước lớn tiếng tố cáo tội ác của chúng, đồng thời che chở cho các em nhỏ ở phía sau.

Trong lúc khiêng một nữ sinh của Trường Gia Long bị cảnh sát đánh ngất, Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn vào bụng và qua đời vào 16 giờ chiều ngày hôm đó khi chưa đầy 19 tuổi.

Tin Trần Văn Ơn mất ngay lập tức đã gây náo động trong giới học sinh-sinh viên Sài Gòn, tạo nên một làn sóng phản đối vô cùng mạnh mẽ, được hàng loạt các tờ báo lớn của Sài Gòn đã đưa tin.

Sau khi đấu tranh để được sự đồng ý của nhà cầm quyền, ban đại diện học sinh trường và gia đình đã đem xác anh về quàn 3 ngày tại nhà vĩnh biệt đường Thuận Kiều.

Họ đã lập bàn thờ, đặt linh vị và quyết định tổ chức tang lễ cho Trần Văn Ơn ngay trong trường Pétrus Ký.

Toàn thể học sinh Pétrus Ký đã mang băng đen để tang anh.

Từ ngày 10 đến 12 tháng 1, hàng trăm đoàn thể đủ mọi các giới: công nhân, tri thức, thương nhân, công chức, nghệ sĩ, nhà báo, học sinh...

đã đến viếng, thắp hương và đặt vòng hoa cho anh.

Tổng cộng có hơn 400 vòng hoa.

Các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên tràn ngập cả một quảng lớn sân trường.

Theo báo Thần chung (số ngày 14-1-1950), để hưởng ứng đám tang Trần Văn Ơn, các hiệu buôn người Việt, người Hoa, người Ấn, các hãng tư nhân khác đều đóng cửa ngày hôm đó, đồng thời các xe rước người đi đưa đám tang đều không lấy tiền, hàng mấy trăm phu xích lô tình nguyện chở hơn 400 vòng hoa.

Ngày 12 tháng 1 một biển người đông hơn nửa triệu người đã kết chặt hàng ngũ đưa người anh hùng tuổi trẻ về nơi đất Thanh Tây chợ Lớn, ký túc xá Pétrus Ký nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhiều điễu văn được đọc để tưởng niệm Trần Văn Ơn.

Trong số đó, Điếu văn của đại biểu các học sinh, sinh viên có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm.

Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt!”.

Hiện nay mộ của Trần Văn Ơn được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, ”Đám tang Trần Văn Ơn được coi là đã trở thành một "cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn", chống lại chính quyền thực dân Pháp.

Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó.

Để tưởng nhớ công lao của Trần Văn Ơn, ngày 11 tháng 1 năm 1979, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định công nhận liệt sĩ cho Trần Văn Ơn.

Tháng 2 năm 1950, tại Đại hội toàn quốc đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất ở Việt Bắc, đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống Học sinh Sinh viên Việt Nam.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội sinh viên lần thứ 5 (ngày 22-23/11/1993 tại Hà Nội) đã quyết định đồng thời lấy ngày 09/01 là Ngày Truyền thống của Hội sinh viên Việt Nam.

Tháng 3/2000, Trần Văn Ơn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tên anh đã được đặt cho con đường và trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thanh Hóa, Đồng Hới và không thể thiếu Bến Tre.

Các ngôi trường tại xã Phước Thạnh đều được tên Trần Văn Ơn, ngoài ra còn có công viên Trần Văn Ơn ở thành phố Bến Tre và quỹ tài năng trẻ Trần Văn Ơn.

Khu tưởng niệm này đã được công nhận di tích cấp tỉnh, thành phố vào ngày 13 tháng 1 năm 2013.

Ngày 26-4, tại xã Phước Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), Ban thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp cùng các đơn vị long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn.

Khu tưởng niệm được xây dựng trên quê hương của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn tại xã Phước Thạnh.

Ngày 29/7/2017 vừa qua Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn đã được khánh thành với sự tham dự của đồng chí Lê Quốc Phong - Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Đại biểu lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên.

Công trình này được xây dựng với tổng kinh phí 11.993 tỷ đồng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tài trợ 10 tỷ đồng, cán bộ đoàn viên, thanh niên Bến Tre đóng góp và vận động xã hội hóa 800 triệu đồng, phần còn lại là nguồn kinh phí của tỉnh.

Công trình bao gồm nhà thờ, nhà thủy tạ, nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu của anh Trần Văn Ơn và nhà dừng chân dành cho khách tham quan, khuôn viên sân để tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống, tổng diện tích 2,8 ha.