Lê Quang Quan, tự Kế, làm chức Tham tán nên thường được Nhân dân gọi là Tán Kế.
Cụ sinh tại làng Mỹ Chánh, huyện Bảo An, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri).Cụ là người yêu nước, tinh thông võ nghệ, từng đăng lính triều đình Huế.
Sau khi triều đình Huế ký hòa ước năm 1862, nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, Lê Quang Quan (Tán Kế) cùng với một số binh sĩ khác bất mãn, bỏ ngũ trốn về quê.
Trở về Mỹ Chánh, ông vận động nhân dân trong vùng, tập hợp trai tráng, rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị lực lượng chống Pháp ngay trên đất quê nhà.
Tháng 6/1867, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, trong đó có Bến Tre (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Ông đứng ra mộ binh sĩ, phát động khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Ba Châu (Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình) nay thuộc huyện Giồng Trôm, giáp với các làng Phong Mỹ, Phong Nẫm (Giồng Trôm), Ba Mỹ, Tân Xuân (Ba Tri) được nhân dân hưởng ứng khá đông.
Nghĩa quân do ông lãnh đạo dựa vào địa thế, địa hình hiểm trở, có rừng dày, lau sậy, chà là rậm rạp thuận tiện cho việc trú quân và cất giấu lương thực, vũ khí.
Nơi đây có thể tiến thoái khi cần, nhờ đó mà duy trì được cuộc chiến đấu lâu dài.
Cuộc khởi nghĩa của ông đã gây cho đốiphương nhiều tổn thất, như trận đánh vào làng Đồng Xuân (5/1869), làng Phú Ngãi và làng Tân Điền (8/1869) giết chết tên Cai tổng Trị và người em là xã trưởng ở đây.
Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu (nghĩa quân phần lớn là nông dân), lại được trang bị vũ khí quá thô sơ, không được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật tác chiến nên lực lượng khởi nghĩa sau nhiều lần đụng độ đã bị tiêu hao dần.
Trước tình thế bị địch bao vây ngày một khó khăn, ông ra lệnh giải tán lực lượng, chỉ chọn một số người thân cận rút vào vùng rừng lau sậy, chà là hoang vu, rậm rạp tạm tránh những mũi tấn công của địch để chờ cơ hội tìm phương sách đối phó.
Một tên đào ngũ đã lén báo cho quân Pháp đồn trú gần đó biết nơi ông ẩn náu, và chúng đã bao vây bắt được ông.
Sau đó, chúng đưa ông ra hành quyết vào ngày 11 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (tức ngày 21/02/1869) và đem đầu ông bêu ở chợ Châu Thới ba ngày ba đêm nhằm đe dọa tinh thần dân chúng.
Trong dân gian ở vùng này còn lưu truyền giai thoại về cái thủ cấp (của Tán Kế) đựng trong giỏ tre, đôi mắt vẫn biết giận, mở trừng trừng không chịu nhắm.
Cuộc khởi nghĩa tuy kết cục thất bại, nhưng tinh thần yêu nước bất khuất, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông và nghĩa quân mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre.
Cảm phục về cái chết của người anh hùng ở vùng đất Ba Châu, nhân dân đã lập miếu thờ ông ở những nơi mà ông và nghĩa quân thường qua lại hoạt động.
Hiện nay, một miếu thờ Tán Kế được xây dựng ngay tại quê hương Bốn Mỹ (xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri; mộ chôn cất phần thân mình ở đây – đã được công nhận di tích cấp tỉnh về lưu niệm danh nhân) để tưởng nhớ đến sự hy sinh oanh liệt của người lãnh đạo nghĩa quân anh hùng.
Một miếu thờ khác cũng được xây dựng tại nơi ông hy sinh (ấp Châu Thới, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, nơi đây cũng có mộ để chôn thủ cấp của ông).