Nguyễn Ngọc Nhựt

Tệp đính kèm Nguyễn Ngọc Nhựt
Năm xuất bản 2023
Đơn vị phát hành Tỉnh Đoàn Bến Tre
Giai Đoạn Nhân vật Lịch sử

Nội dung

Ngày 31-5-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp dự cuộc đàm phán ở Fontainebleau, Người đã tranh thủ dành thời gian gặp gỡ trí thức Việt kiều ở Pháp.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích (nguyên Khu bộ phó Khu 9, sau khi đánh sập cầu Cái Răng và Tân Hương, bị bắt và bị trục xuất sang Pháp) đã đưa em trai mình là kỹ sư tạo tác Nguyễn Ngọc Nhựt đến dự.

Phong thái và tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chinh phục được tình cảm của giới trí thức tại thủ đô nước Pháp, dù buổi họp mặt ấy thật là ngắn ngủi.

Cuộc tiếp kiến với Hồ Chủ tịch tại Paris như bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt.

Là một kỹ sư tạo tác tài năng, giàu kinh nghiệm, từng làm chuyên viên kỹ thuật cho các hãng kinh doanh của Pháp, Công ty kênh đào Suez đã từng ngỏ ý mời ông về làm tại công ty này, cha vợ lại là giám đốc của một công ty lớn ở Pháp, có nhiều uy tín và giàu có, Nguyễn Ngọc Nhựt có đủ điều kiện để ung dung hưởng thụ cuộc sống giàu sang trong một xã hội tư bản phát triển, vào thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II.

Nhưng, sau lần gặp gỡ ấy, những lời nói gần gũi, chân tình của Hồ Chủ tịch về vận nước đang bị đe dọa bởi các thế lực ngoại bang cứ vang vọng trong tâm tưởng, khiến tình yêu quê hương, đất nước trong Nguyễn Ngọc Nhựt như thôi thúc, trào dâng mãnh liệt.

Biết được Nguyễn Ngọc Nhựt có ý định trở về Việt Nam phụng sự “Chính phủ Cụ Hồ”, gia đình vợ phản đối và ngăn cản.

Trải qua nhiều đêm phân vân, giằng xé, cuối cùng Nguyễn Ngọc Nhựt đành nói với vợ những lời thật như máu thịt: “Anh có Tổ quốc của anh và em có Tổ quốc của em”.

Sự quả quyết đó đã đưa Nguyễn Ngọc Nhựt đến quyết định: từ bỏ cuộc sống giàu sang, tạm biệt người vợ trẻ đang thời xuân sắc trên đất Pháp, về nước dấn thân vào cuộc kháng chiến của “Chính phủ Cụ Hồ” vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc, chống lại ách thống trị của thực dân Pháp đã kéo dài gần non thế kỷ.

Cuối năm 1946, với sự giúp đỡ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Nhựt làm căn cước giả, rồi trà trộn trong số lính thợ Việt Nam ONS, đáp tàu thủy về Sài Gòn.

Một ngày đầu năm 1947, Nguyễn Ngọc Nhựt đã về đến quê nhà.

Ông đã gặp và xin chỉ giáo của cha - Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương tại căn lầu “Thiên lý Mật truyền” nơi Tịnh xá.

Một tuần sau, Nguyễn Ngọc Nhựt bắt liên lạc với cơ sở cách mạng, ra vùng kháng chiến tại chiến khu Đồng Tháp Mười.

Vào những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang của ta còn rất non yếu, vũ khí, đạn dược vô cùng thiếu thốn.

Với kiến thức của một kỹ sư tạo tác, Nguyễn Ngọc Nhựt lao ngay vào công việc, tổ chức hướng dẫn công nhân sửa chữa vũ khí, sản xuất đạn dược ở Công binh xưởng Khu 8, góp phần rất lớn trong việc giải tỏa những khó khăn về vũ khí của lực lượng vũ trang ở Nam Bộ.

Tháng 10-1947, Nguyễn Ngọc Nhựt được bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Cao Đài Cứu quốc 12 phái Hiệp nhứt, do Chưởng Pháp Cao Đài Minh Chơn Đạo - Cao Triều Phát làm Chủ tịch (*).

Đầu năm 1948, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt được bầu làm ủy viên phụ trách công tác thương binh - xã hội của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh (KCHC) Nam Bộ khi ông tròn 30 tuổi, trở thành thành viên trẻ nhất ở cương vị lãnh đạo trong Ủy ban KCHC Nam Bộ lúc bấy giờ.

Với vai trò này, ông đã có nhiều đề xuất quan trọng trong công tác vận động các tôn giáo tham gia kháng chiến cứu quốc.

Đặc biệt, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt đã “hóa giải” sự hiểu lầm giữa cán bộ Việt Minh và tín đồ Cao Đài ở Mộc Hóa.

Do bị Pháp kích động, một số tín đồ, chức sắc ở đây công khai tỏ thái độ thù địch, chống Việt Minh.

Nguyễn Ngọc Nhựt đã có mặt, giải thích và đưa hơn 2.000 đạo hữu thoát khỏi nạn chia rẽ, can qua.

Chỉ với việc này, ông đã làm thất bại âm mưu đen tối của thực dân Pháp trong việc lôi kéo tín đồ Cao Đài, hòng cô lập phong trào cách mạng ngay giữa lòng căn cứ địa.

Sự kiện ấy đã được những người viết sử Cao Đài Ban Chỉnh Đạo tán dương, cho rằng Anh Lớn Khai Đạo Nguyễn Ngọc Nhựt đã hoàn thành sứ mạng “Thần Đạo” thật vẻ vang, trên bước đường hành đạo.

Nhưng rồi ngày 2-6-1949, Nguyễn Ngọc Nhựt bị bắt tại bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp (gần chợ Cái Bèo thuộc tỉnh Sa Đéc cũ - nay là tỉnh Đồng Tháp) trong cuộc hành quân tảo thanh đại quy mô của quân Pháp, nhằm tìm diệt hai Tiểu đoàn 307 và 309 đang đóng quân bảo vệ căn cứ Đồng Tháp Mười.

Do có điệp báo cài vào vùng căn cứ nên ngay sau khi bị bắt, thân thế Nguyễn Ngọc Nhựt đã bại lộ.

Khi sa vào tay giặc, Nguyễn Ngọc Nhựt thà chịu đòn roi tàn khốc, thà chết, quyết không khai báo nửa lời về vùng căn cứ địa, cũng như những đồng chí trong Ủy ban KCHC Nam Bộ.

Hết Bazin - Thanh tra Mật thám, kiêm Giám đốc PSE (Ty Đặc cảnh miền Đông) là “trùm mật thám Nam Kỳ”, đến tướng De Latour - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra sức dụ dỗ, đe dọa, cố lôi kéo ông tham gia chính phủ bù nhìn Bảo Đại, với chức vụ Bộ trưởng Công chánh hoặc Quốc phòng, nhưng Nguyễn Ngọc Nhựt đã kiên quyết chối từ.

Trong tù, qua cơ sở bí mật của cách mạng, ông viết thư gửi về chiến khu, khẳng định: “Tôi sẽ không bao giờ nhận định một cách sai lạc đường đi, lối bước đã chọn”.

Biết không thể lung lạc được Nguyễn Ngọc Nhựt, Thiếu tướng Boyer De Latour và trùm mật vụ Bazin đã gửi thư đề nghị Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương viết giấy bảo lãnh, để có “lý do” trả tự do cho đứa con của Ngài.

Nhưng, bằng sự minh triết của bậc chân tu đắc đạo, nhận rõ ý đồ của nhà cầm quyền muốn lợi dụng tình riêng thao túng nền đạo và vì tôn trọng sự lựa chọn lý tưởng của con mình, Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã viết thư phúc đáp Thiếu tướng Boyer De Latour và trùm mật vụ Bazin bằng những dòng chữ thật cô đọng: “Con trai tôi đã trưởng thành.

Tôi không thể dùng quyền lực người cha ép buộc nó.

Nó có sứ mạng riêng của nó”.

Thất bại trước người cha can đảm, Thiếu tướng Boyer De Latour và trùm mật vụ Bazin lại tung đòn hiểm hóc sau cùng: đưa Clodine - vợ ông từ Pháp về Sài Gòn, đến bót Catina, dùng tình cảm vợ chồng để mong đánh quỵ ý chí và lòng trung thành của Nguyễn Ngọc Nhựt.

Dù vợ ông đã cầu khẩn, van xin ông viết giấy “đầu thú” để được tha bổng, gia đình được sum họp, nhưng Nguyễn Ngọc Nhựt đã cự tuyệt.

Trở về Pháp trong tâm trạng thất vọng, cô đơn, Clodine trầm cảm rồi sinh bệnh tâm thần, gia đình Nguyễn Ngọc Bích - anh trai ông phải cưu mang Clodine, ít lâu sau bà qua đời.

Nếu không vì cách mạng, không vì lý tưởng độc lập cho dân tộc, tự do cho Tổ quốc, không vì lòng tôn kính và tin tưởng Bác Hồ, chắc chắn Nguyễn Ngọc Nhựt sẽ không phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã giữa: Tổ quốc - tình riêng, và gia đình ông sẽ không rơi vào bi kịch.

Hết cách chiêu hàng, nhà cầm quyền thực dân đã dùng đến thủ đoạn tàn độc, đê hèn nhất - chúng tiêm thuốc gây rối loạn thần kinh - với hy vọng bẩn thỉu nhằm moi được những điều bí mật ở nơi ông.

Nhưng lòng yêu kính vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam đã tạo nên một xung lực tinh thần mãnh liệt, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Nhựt đứng diễn thuyết giữa hàng trăm bạn tù về tính chính nghĩa và sự tất thắng của cách mạng Việt Nam.

Khi tên cai ngục nhìn thấy hàng chữ trên tường: “Tù nhân Ca-ti-na kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-5-1949 - do kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, Ủy viên Ủy ban KCHC Nam Bộ chủ tọa và thuyết trình”, chúng lập tức báo cáo đến Thiếu tướng Boyer De Latour và trùm mật vụ Bazin.

Hốt hoảng trước Nguyễn Ngọc Nhựt, chúng đã áp giải ông về Khám lớn Sài Gòn, tiếp tục tiêm thuốc hoại não như để diệt trừ một hiểm họa.

(*) Cả ba người con trai của Đức Giáo Tông từ nhỏ đã tu theo Đạo Cao Đài, được thiên phong các phẩm vị ở Hiệp Thiên Đài như: Hiến Thế Nguyễn Ngọc Hớn, Hiến Pháp Nguyễn Ngọc Bích, Khai Đạo Nguyễn Ngọc Nhựt.

Theo phẩm vị và cách xưng hô thì bổn đạo ở Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo đều gọi ba vị là Anh Lớn.

Bệnh tình của Nguyễn Ngọc Nhựt ngày càng trầm trọng hơn, nhưng trong những ngày bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn, ông đã cố gắng chống chọi với những cơn điên loạn, cầm cự và chế ngự từng cơn đau đầu dữ dội để nắn nót và cẩn trọng viết đầy tấm bảng trong hội trường nhà giam hàng chữ “Hồ Chí Minh”, khiến bọn cai ngục thêm nhiều phen kinh sợ.

Sức khỏe của Nguyễn Ngọc Nhựt ngày một suy kiệt, nhà cầm quyền thực dân chuyển ông sang Nhà thương điên Biên Hòa giam lỏng.

Gần một năm sau, ngày 16-5-1952, ông hy sinh.

Năm ấy, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt vừa tròn 34 tuổi.

Nghe tin Nguyễn Ngọc Nhựt hy sinh, Bác Hồ nghẹn ngào nói: “Luật sư Thái Văn Lung, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt - hai trí thức Nam Bộ chết sớm quá! Đó thật sự là những “người quân tử mới” của Việt Nam!”.

Bác đã gửi điện cho Ủy ban Kháng chiến hành chánh (KCHC) Nam Bộ, chỉ thị các cơ quan làm lễ truy điệu Nguyễn Ngọc Nhựt.

Chính phủ đánh điện chia buồn với Ủy ban KCHC Nam Bộ và gia quyến.

Hồ Chủ tịch và Chính phủ truy tặng cho liệt sĩ, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

“… Quyết tâm hy sinh đến hơi thở cuối cùng, nguyện toàn trung với nước, trọn hiếu với dân, ông Nguyễn Ngọc Nhựt đã làm vẻ vang cho Ban Chỉnh Đạo Bến Tre và giới trí thức Việt Nam.

Tôi có vinh dự được Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo mời làm chủ biên công trình nghiên cứu về “Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương” do Trường An biên khảo, nên có dịp tìm hiểu về dòng họ Nguyễn Ngọc, trong đó có Nguyễn Ngọc Nhựt.

Với thiển nghĩ của một người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, đã đến lúc, chúng ta cần vinh danh kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, một trí thức tiêu biểu của Bến Tre ở thế kỷ XX, đã hy sinh cả cuộc đời và những tình cảm riêng tư thiêng liêng nhất cho sự nghiệp cách mạng.

Vinh danh Nguyễn Ngọc Nhựt để các thế hệ mai sau hiểu biết đầy đủ hơn về sự cống hiến, hy sinh của giới trí thức Việt Nam nói chung và giới trí thức Nam Bộ, Bến Tre nói riêng, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng bên cạnh những người công nhân cùng khổ, những nông dân chân lấm tay bùn bị áp bức, những thương gia, tiểu chủ, học sinh - sinh viên… giác ngộ cách mạng, còn có cả những người trí thức.

Họ chính là những tinh hoa của các phong trào cách mạng, ngoài “xương trắng máu đào” điểm tô cho giang sơn gấm vóc, thì trí tuệ, tài năng của họ đã trở thành tâm điểm của quá trình kết tinh một trí tuệ Việt Nam, vô hình nhưng vô địch, từng làm thất bại rất nhiều loại kẻ thù.

Vinh danh Nguyễn Ngọc Nhựt còn là vinh danh dòng họ Nguyễn Ngọc và Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương - bậc chân tu của nền Đạo Cao Đài Ban Chỉnh, người cha đã 2 lần gác lại tình riêng vì nghĩa lớn, vì thanh danh của một nền Đạo, một dân tộc.

Kính phục trước nghĩa khí và tấm lòng “thương nòi giống, mến quê hương” của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Ông Nguyễn Ngọc Tương, người cha của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhựt, thà hy sinh hai người con yêu quý của mình, quyết không thỏa hiệp, không hợp tác với thực dân Pháp...

Có thể nói, gia đình Nguyễn Ngọc Tương là một điển hình cho tầng lớp quan lại, địa chủ, tôn giáo trí thức, “dân Tây” yêu nước của Nam Bộ thời đó.

Với tâm hồn trong sáng, không hề suy tính được, mất; sẵn sàng tham gia cách mạng, vứt bỏ mọi giàu sang, danh vọng.

Lòng yêu nước sâu sắc và nguyện vọng cháy bỏng được làm người dân của một đất nước độc lập, tự do đã giúp họ vượt lên tất cả, chịu đựng được mọi gian khổ - sự băn khoăn lớn nhất của họ, để cùng đi với toàn dân tộc...”.

Điều đáng mừng là lớp hậu bối luôn biết hướng về nguồn cội, luôn biết kính trọng tiền nhân và xem đó như những tấm gương sáng để tự soi mình, để càng vững niềm tin hơn trong hành trình tiến về phía trước.

Tôi thật sự vui mừng và thổn thức khi viết những dòng này.

Bởi, ngoài sự hy sinh lớn lao và một tình yêu Tổ quốc thiết tha, vô tận, thì khí tiết và khí phách như những hạt ngọc long lanh còn đọng mãi trong lòng hậu thế mỗi khi nhớ về kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt.

Khí tiết và khí phách lẫm liệt đó phải chăng là thứ “nội lực” đặc biệt đã tạo nên một dũng khí Nguyễn Ngọc Nhựt.