Trương Vĩnh Ký

Tệp đính kèm Trương Vĩnh Ký
Năm xuất bản 2023
Đơn vị phát hành Tỉnh Đoàn Bến Tre
Giai Đoạn Nhân vật Lịch sử

Nội dung

Trương Chánh Ký, sau đổi là Trương Vĩnh Ký , tự là Sĩ Tải , tên thánh: Jean Baptiste Pétrus .

Quê ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Mồ côi cha rất sớm, Trương Vĩnh Ký lần lượt được các linh mục như Cố Tám, Cố Long nuôi dưỡng, dạy dỗ.

Ông học hai năm ở giáo đường Cái Nhum, ba năm ở trường đạo Pônhalư (Campuchia) và tám năm ở chủng viện Dulaima ( Penang, Malaisia).

- Tại những nơi này, đặc biệt là ở Dulaima, ông được học với nhiều thầy giỏi và tiếp xúc với bạn học ở nhiều nước khác nhau.

Với trí thông minh phi thường, với tinh thần cần cù hiếm thấy, Trương Vĩnh Ký luôn luôn là một học sinh xuất sắc toàn diện.

Riêng về ngoại ngữ, lúc mới 22 tuổi (năm 1859) ông đã có thể sử dụng thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông.

- Năm 1860, ông nhận lời làm phiên dịch cho Pháp.

- Năm 1863, là thành viên của phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp.

Sau khi về nước, ông hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và báo chí.

Năm 1866, làm hiệu trưởng trường đào tạo thông dịch viên ở Sài Gòn.

Năm 1869 làm chủ nhiệm Gia Định báo.

- Năm 1886 được toàn quyền Paul Bert vốn là giáo sư đại học Bordeaux, viện sĩ viện hàn lâm Pháp mà ông đã kết giao thân mật từ chuyến đi Pháp cử làm cố vấn cho vua Đồng Khánh với tư cách Hàn lâm viện thị giảng học sĩ.

Ông đã tham mưu cho nhà vua làm một số điều ích quốc lợi dân (đào kinh Mang Cá ở Huế, đắp đường ở Quảng Nam v.v…).

Dù được mời mọc, ông cũng không chịu nhập quốc tịch Pháp cũng như không nhận những chức vụ cao trong bộ máy hành chính của Pháp.

- Những năm cuối đời, ông chuyên tâm dạy học và viết sách.

Ông đã góp phần đào tạo cho đất nước hàng ngàn trí thức trẻ và để lại cho kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại hơn 120 tác phẩm về nhiều chuyên ngành: ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, pháp luật, kinh tế, chính trị, sinh học, văn học v.v… Những công trình này đã có tác dụng khai sáng cho thế hệ trẻ, mở mang sự hiểu biết: hiểu biết thiên nhiên, hiểu biết xã hội, hiểu biết con người.

- Học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã nhận xét: “Khi lướt qua danh mục những tác phẩm của Pétrus Ký, những tác phẩm này khiến người ta phải ngạc nhiên và gần như khiếp đảm bởi số lượng và tính đa dạng của chúng” (Bulletin de I’Enseignement mutuel du Tonkin.

Tập 17 ngày 1.6.1943).

- Trương Vĩnh Ký đặc biệt quan tâm đến việc bước đầu hoàn thiện và phổ biến chữ quốc ngữ.

Với tầm nhìn hết sức sáng suốt, ông thấy rõ giá trị, tác dụng vô cùng lớn lao của công cụ biểu đạt này, nên đã mạnh dạng đưa nó thóat khỏi bốn bức tường kín của tu viện và đặt nó giữa lòng cuộc sống, trước hết là trường học (Trường thông ngôn Sài Gòn mà ông là Hiệu trưởng) và báo chí (Gia Định báo, tờ báo đầu tiên của nước ta mà ông là chủ bút).

- Lúc sinh thời, Trương Vĩnh Ký được giới khoa học Châu Âu tôn trọng, đánh giá rất cao.

Ông được mời làm hội viên các hội Nhân chủng học, Địa lý Paris, Giáo dục nhân văn và khoa học… Năm 1874, ông được phong Giáo sư ngôn ngữ Á Đông và được tôn vinh là một trong mười tám “toàn cầu bác học danh giá” ngang với những tên tuổi lẫy lừng của phương Tây thời đại đó.

- Nhân dân ta kính trọng ông – một nhà bác học, một nhà giáo dục, một nhà văn hóa lớn vừa có nhân cách trong sạch cao thượng vừa có chân tài.

Lịch sử đã và sẽ tiếp tục ghi nhận công lao của Trương Vĩnh Ký với tư cách người đi tiên phong trong công cuộc chuẩn bị duy tân cho đất nước.